NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em rất phổ biến và dễ lây lan. Bệnh thường nhẹ và có khả năng tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp bệnh có thể chuyển biến xấu, xuất hiện các biến chứng nguy hiểm gây đe dọa tính mạng trẻ.

  1. Bệnh tay chân miệng là gì ?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virut gây ra. Đặc trưng của bệnh là sốt và mụn nước tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt thường gặp ở đối tượng trẻ em ở môi trường nhà trẻ mẫu giáo, vì đây là nơi tập trung nhiều trẻ, các trẻ dễ lây bệnh cho nhau qua các giọt bắn từ đường hô hấp vào không khí khi ho hoặc hắt hơi, qua dịch tiết mũi họng hoặc dịch từ mụn nước,… Khi lớn lên, tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm đi do trẻ hình thành được miễn dịch sau khi phơi nhiễm với virut gây bệnh. 

  1. Trẻ bị tay chân miệng sẽ có các triệu chứng gì?

Trẻ sẽ có giai đoạn ủ bệnh 3-7 ngày trước khi khởi phát với các dấu hiệu như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát của bệnh kéo dài trong 3-7 ngày với các triệu chứng điển hình là:

  • Loét miệng:những phỏng nước ở miệng, lưỡi diễn tiến nhanh, vỡ thành những vết loét trong miệng khiến trẻ đau miệng, tăng tiết nước bọt, ăn uống kém.
  • Phát ban dạng phỏng nước: xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Các phát ban này tồn tại thời gian ngắn sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
  • Sốt nhẹ, nôn.

Nếu tình trạng bệnh nhẹ, trẻ sẽ khỏi bệnh sau 7-10 ngày. Nếu trẻ được chăm sóc tại nhà, các bậc phụ huynh phải đặc biệt chú ý. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục, nôn ói thường xuyên, giật mình, run chi, khó thở, chân tay run rẩy, tim đập nhanh,… phải ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện vì có thể tình trạng bệnh đang chuyển biến xấu, trẻ có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như:

  • Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm não tủy, viêm màng não, liệt dây thần kinh sọ não,…
  • Co giật, hôn mê
  • Biến chứng tim mạch, hô hấp: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch,…
  1. Những biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, để chủ động phòng chống bệnh cần chú ý thực hiện các biện pháp sau:

  • Cả người lớn và trẻ em cần thường xuyên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; cha mẹ không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ngậm mút đồ chơi.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn,ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Chia sẻ: Share on FacebookTweet about this on TwitterShare on LinkedInShare on Google+Email this to someone