TP.HCM: Thông tin về tình hình dịch bệnh tay chân miệng

Lê Thạch Cập nhật 10:15 ngày 29/09/2018

Bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh ở TP.HCM.

VTV.vn – Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus, lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước.

Năm 2011 bệnh tay chân miệng đã gây ra dịch lớn trên cả nước với hơn 150 trường hợp tử vong, riêng tại TP.HCM có hơn 30 ca tử vong.

Năm 2018, bệnh tay chân miệng tại TP.HCM cũng diễn tiến như các năm trước. Số trường hợp nhập viện nội trú xoay quanh con số 100. Đến tháng 7 và tháng 8, bệnh nhân nhập viện có xu hướng tăng nhẹ theo chu kỳ với trung bình nhập viện hàng tuần là 140 và 190.

Tuy nhiên, trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện TP.HCM có hiện tượng gia tăng nhanh. Đồng thời số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh chóng so với trước đó.

Trong số những ca bệnh nhập viện vào các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, có đến gần 60% là các ca bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Tại TP.HCM, theo số liệu giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, trong tuần 38 có 289 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca). Tổng số ca tay chân miệng nhập viện tính đến hết tuần 38 là 3.195. Số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499 ca.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tháng 8, tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút Enterovirus 71 – chủng vi rút đã gây vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước những năm 2011. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có TP.HCM trong những tuần gần đây.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ: như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Có 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà; tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt… phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

 

Nguồn: httpss://vtv.vn/suc-khoe/tphcm-thong-tin-ve-tinh-hinh-dich-benh-tay-chan-mieng-20180928233849362.htm

Chia sẻ: Share on FacebookTweet about this on TwitterShare on LinkedInShare on Google+Email this to someone