Tại sao phải uống viên Sắt vào buổi sáng

vien sat

Sắt là một yếu tố vi lượng, có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và bà mẹ mang thai. Thiếu sắt sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đặc biệt là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu vô cùng nguy hiểm.

  • Uống sắt có tác dụng gì?

Sắt có tác dụng trong tổng hợp hemoglobin và myoglobin (hai chất đóng vai trò quan trọng của các tế bào trong cơ thể). Ngoài ra sắt còn tham gia vào thành phần một số enzyme oxy hoá khử như catalase, peroxydase và các cytochrome (là những chất xúc tác sinh học quan trọng trong cơ thể). Sắt đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất ra năng lượng oxy hoá, vận chuyển oxy, hô hấp của ty lạp thể và bất hoạt các gốc oxy có hại. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ phải được bổ sung lượng sắt phù hợp, để tốt cho thai nhi người mẹ cần có lượng sắt dự trữ, ít nhất là 300 mg trước khi mang thai.

  1. Những dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính, tuy nhiên nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của người bệnh, về lâu dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em. Do đó nhận biết những dấu hiệu thiếu máu để phát hiện và điều trị kịp thời là điều cần thiết.

Các triệu chứng nhận biết khi bị thiếu máu do thiếu sắt:

  • Mệt mỏi bất thường: được coi là biểu hiện bình thường trong cuộc sống lao động hiện nay, tuy nhiên khi bị thiếu máu do thiếu sắt bên cạnh tình trạng mệt mỏi cơ thể còn có các dấu hiệu như yếu ớt, khó tập trung hay giảm năng suất làm việc.
  • Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt: khi thiếu sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ hemoglobin cho các tế bào máu đỏ, kết quả làm làn da sẽ bị nhợt nhạt hơn.
  • Đau ngực, khó thở: triệu chứng này trở nên nặng hơn khi gắng sức, hoạt động thể lực. Lưu ý triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác về tim, phổi.
  • Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu: Nguyên nhân từ việc oxy lên não không đủ làm các mạch máu sưng lên, gây áp lực dẫn đến đau đầu hoặc đau nửa đầu.
  • Tim đập nhanh: đây cũng là một triệu chứng do thiếu sắt gây ra, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý về tim như suy tim.
  1. Uống sắt vào lúc nào tốt nhất trong ngày?

Theo các nghiên cứu y khoa, bạn nên uống sắt lúc sáng sớm sẽ có tác dụng tốt, vì lúc này cơ thể vừa trải qua một giấc ngủ dài nên hàm lượng canxi và sắt trong cơ thể đang ở mức thấp nhất. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên uống sắt mỗi ngày vào buổi sáng.

Sắt được hấp thu tốt nhất khi dạ dày của bạn đang “rỗng” vì thức ăn sẽ làm giảm đi sự hấp thụ vi chất dinh dưỡng quan trọng này, tốt nhất bạn nên uống sắt trước khi ăn sáng 1 giờ hoặc sau khi ăn sáng 2 giờ.

  1. Uống sắt đúng cách cho bà bầu

Nhu cầu sắt trước khi mang thai một người người phụ nữ cần tối thiểu 15mg/ngày.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, khi phụ nữ phát hiện có thai nên sử dụng viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt kèm theo acid folic 400mcg mỗi ngày. 

Bên cạnh việc bổ sung sắt bằng thuốc, bà bầu cần nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều sắt như các loại thịt có màu đỏ như tim, gan, thịt gia cầm, cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng; các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô, và trái cây khô.

  1. Một số lưu ý khi uống sắt
  • Không nên uống canxi cùng với sắt bởi vì nếu liều lượng của canxi ở mức 300mg, canxi có thể gây ra cản trở sự hấp thụ của sắt. Để tránh gây nên hiện tượng các khoáng chất cản trở sự hấp thụ lẫn nhau, hãy cân đối liều lượng và thời gian uống thuốc. 
  • Vitamin C có tác dụng giúp sắt dễ hấp thu, vì vậy bạn nên uống nước cam, chanh (trái cây có chứa nhiều vitamin C) để chất sắt được hấp thụ vào cơ thể. Trong protein động vật cũng chứa chất giúp hỗ trợ hấp thụ sắt tối ưu, vì vậy bạn nên bổ sung cá, thịt, trứng trong các bữa ăn hàng ngày. Chú ý không nên uống các thức uống kích thích như trà, cà phê, nước giải khát có gas khi bạn vừa uống sắt vì chúng cản trở quá trình hấp thụ của sắt.
  • Không nên uống chung thuốc sắt với các thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin và nhóm quinolon, thuốc kháng acid, hormone tuyến giáp.
  • Do sắt được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc đói và chất trong thức ăn (là những thức ăn chứa nhiều canxi) sẽ làm ảnh hưởng tới sự hấp thu sắt, nên thời điểm tốt nhất để uống viên sắt thường là trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Uống thuốc với ít nhất nửa cốc nước và không nhai viên thuốc khi uống (đối với các dạng viên).
  • Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người già, sắt được chế biến dưới dạng giọt hoặc sirô để dễ nuốt. Cần uống theo đúng chỉ dẫn về liều lượng số giọt hoặc thìa đong thuốc phù hợp với từng lứa tuổi, khi uống dạng siro răng sẽ có màu đen (khắc phục bằng cách hút qua ống hút, pha vào nước rồi hút).

Bạn có thể bổ sung sắt thông qua các thực phẩm giàu chất sắt như: hàu, thịt bò, cá và thịt gà… ăn những thực phẩm này kèm với những thực phẩm, hoa quả giàu vitamin C để giúp hấp thu sắt tốt hơn. 

Chia sẻ: Share on FacebookTweet about this on TwitterShare on LinkedInShare on Google+Email this to someone