NỘI SOI DẠ DÀY – TÁ TRÀNG TẠI TRUNG TÂM Y TẾ THỊ XÃ NINH HÒA

ns

Nội soi dạ dày – tá tràng, một kỹ thuật mới tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa

Nội soi dạ dày – tá tràng là công cụ hình ảnh học hữu hiệu nhất để phát hiện các bệnh lý, tổn thương trên niêm mạc dạ dày như viêm loét hay ung thư… Phương pháp này rất phổ biến và được chỉ định rộng rãi. Nội soi dạ dày – tá tràng đã không còn xa lạ với người Việt Nam. Bên cạnh sự ưu việt mà phương pháp này mang lại, không ít người còn e ngại, thậm chí từ chối thực hiện bởi những khó chịu mà nó gây ra.

1.      Nội soi dạ dày – tá tràng là gì?

Nội soi dạ dày – tá tràng là một phương pháp thăm khám trực tiếp phần trên của ống tiêu hóa nhờ vào một ống soi mềm nhỏ đưa vào qua đường miệng hoặc đường mũi vào thực quản rồi xuống dạ dày – tá tràng nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị những bệnh lý của thực quản, dạ dày và tá tràng.

Ống nội soi tiêu hóa có đường kính nhỏ, vừa gắn nguồn chiếu sáng, camera thu hình trực tiếp chiếu lên màn hình, vừa gắn các dụng cụ can thiệp khi cần. Ngoài ra, ống nội soi có thể điều khiển được hướng đi, góc quan sát nhằm phát hiện những tổn thương nhỏ chỉ vài milimet trên niêm mạc hệ tiêu hóa.

2.      Những ai nên và không nên  nội soi dạ dày – tá tràng?

2.1. Những đối tượng nên nội soi dạ dày

  • Người có triệu chứng bất thường như: đau vùng ngực, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, ợ hơi, khó tiêu, đi phân đen, đi ngoài ra máu…
  • Bệnh nhân bị viêm dạ dày mạn tính, ung thư dạ dày, polyp dạ dày tá tràng, hẹp môn vị.

  Thường xuyên hút thuốc, uống rượu, bia. 

  • Người có người thân mắc các bệnh về dạ dày, đặc biệt là ung thư dạ dày, đồng thời phát hiện những bất thường thực quản dạ dày.
  • Tầm soát phát hiện sớm ung thư thực quản – dạ dày tá tràng.
  • Theo dõi sau điều trị: loét dạ dày tá tràng, cắt polyp dạ dày, cắt ung thư sớm dạ dày, u lympho dạ dày…
  • Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.
  • Xuất huyết tiêu hoá chưa rõ nguyên nhân.

2.2. Đối tượng không nên nội soi dạ dày

Hiện nội soi dạ dày – tá tràng không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên bác sĩ có thể hoãn nội soi nếu nghi ngờ bệnh nhân: 

  • Bỏng do uống axit.
  • Đang trong tình trạng sốc.
  • Thủng dạ dày hoặc thủng ở những nơi khác trong ống tiêu hóa.
  • Suy tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim mới, rối loạn nhịp tim.
  • Suy hô hấp.
  • Có túi phình lớn ở động mạch chủ hoặc có túi thoát vị ở thực quản.
  • Mắc chứng bệnh tâm thần không phối hợp, bệnh nhân không đồng ý.
  • Mới ăn no.
  • Tình trạng suy nhược, già yếu không chịu được nội soi, bệnh nhân đang có thai.
  • Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90, tối thiểu < 50.

Nếu gặp các triệu chứng bất thường nên đi nội soi dạ dày – tá tràng càng sớm càng tốt để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

3.      Để nội soi dạ dày – tá tràng bệnh nhân cần chuẩn bị những gì?

3.1. Trước khi thực hiện nội soi dạ dày – tá tràng:

Bệnh nhân được dặn nhịn ăn 6-8h trước khi tiến hành soi (nếu có hẹp môn vị cần nhịn ăn lâu hơn hoặc rửa dạ dày trước khi soi).

Để quá trình nội soi diễn ra hiệu quả và có độ chính xác cao, bệnh nhân nên lưu ý những nguyên tắc cơ bản sau:

  • Nhịn ăn trước 6 – 8 tiếng trước khi soi, nhịn uống trước 2 tiếng nhằm ngăn ngừa tình trạng nôn, bảo vệ đường thở, đồng thời hỗ trợ bác sĩ quan sát rõ vùng niêm mạc dạ dày có tổn thương hay không.
  • Không uống các loại nước có màu như: coca, cafe, nước cam, sữa,…
  • Không uống các loại thuốc bảo vệ niêm mạc trước khi tiến hành nội soi.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc và có các bệnh lý liên quan đến huyết áp, tim mạch, hô hấp.

 3.2. Trong khi nội soi:

Bệnh nhân cần tin tưởng và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh các tai biến và khó chịu sau khi soi.

              3.3. Sau khi nội soi:

Bệnh nhân nên nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi ra về, không được ăn uống trong 1h sau nội soi vì thuốc vẫn còn hiệu lực. Khoảng 2 giờ sau khi nội soi, bệnh nhân có thể dùng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, dùng sữa nguội, không nên uống sữa nóng có thể làm tổn thương dạ dày. Một số vấn đề thường gặp: đau rát họng, khó nuốt, đau bụng, chướng bụng ở mức độ nhẹ và giảm dần trong ngày. Bệnh nhân nên súc miệng sạch, nhưng không khạc nhổ.

4.      Quy trình thực hiện nội soi dạ dày – tá tràng ra sao?

Tất cả bệnh nhân trước khi được thực hiện nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng đều được thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các xét nghiệm thường quy. Điều này là cần thiết để đánh giá không chỉ các bệnh lý chuyên khoa tiêu hóa mà còn tình trạng sức khỏe tổng quát nói chung. Chỉ những bệnh nhân nào được xác định là có các triệu chứng nghi ngờ hay nhiều yếu tố nguy cơ mới được chỉ định nội soi tiêu hóa. Đồng thời, các bệnh lý nội – ngoại khoa đi kèm khác cũng được đánh giá mức độ để loại trừ chống chỉ định khi thực hiện kỹ thuật này.

Sau đó, bệnh nhân và thân nhân sẽ được tư vấn, giải thích về sự cần thiết của nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngoài ra, cách thức thực hiện và cả những nguy cơ có thể xảy ra cũng được trình bày kỹ lưỡng để người bệnh hiểu rõ và chấp thuận.

Quy trình nội soi được thực hiện bởi ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng. Bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng bên trái và ngậm một dụng cụ bằng nhựa để bảo vệ răng miệng và giữ cho miệng luôn mở. 

Trường hợp nội soi gây mê, bác sĩ tiêm một lượng thuốc vừa đủ vào tĩnh mạch trên cánh tay giúp bệnh nhân trải qua một giấc ngủ ngắn. Theo đó, thiết bị theo dõi nhịp thở, huyết áp và nhịp tim cũng được gắn trên người bệnh nhân. 

4.1. Quy trình nội soi qua đường miệng:

  • Bệnh nhân sẽ được uống một loại thuốc để loại bỏ dịch nhầy trên niêm mạc, sau đó được xịt thuốc tê nhẹ ở miệng để làm giảm cảm giác khó chịu khi đưa ống soi vào. 
  • Bác sĩ đưa ống nội soi mềm từ hầu họng qua thực quản xuống dạ dày. Hình ảnh từ camera trên đầu thiết bị nội soi sẽ truyền tải về màn hình, bác sĩ dựa vào đó có thể theo dõi và đưa ra các chẩn đoán. Trong quá trình nội soi, bệnh nhân không nói được nhưng vẫn thở bình thường. Một số người có cảm giác khó chịu, nghẹn thở hoặc buồn nôn. Lúc này chỉ cần hít thật sâu, thở ra chậm rãi để làm giảm các triệu chứng.

4.2. Quy trình nội soi qua đường mũi:

  • Bác sĩ nhỏ thuốc tê vào mũi để gây tê ở mũi và xịt thuốc tê vào miệng để gây tê cổ họng bệnh nhân. 
  • Ống soi đã bôi thuốc gây tê được luồn qua mũi xuống phần sau của miệng, bệnh nhân được yêu cầu nuốt nhẹ xuống. Ống soi tiếp tục đi qua thực quản và xuống dạ dày, camera sẽ truyền hình ảnh đến màn hình bên ngoài, bác sĩ sẽ theo dõi, nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ chụp lại để kiểm tra. 

Bác sĩ có thể bơm nhẹ không khí vào thực quản bệnh nhân để làm căng phồng ống tiêu hóa, giúp quan sát rõ hơn các nếp gấp và giúp ống nội soi di chuyển dễ dàng hơn. Khi đó, bệnh nhân có cảm giác căng tức hoặc đầy hơi.

Khi cần thiết, bác sĩ sẽ luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để lấy mẫu sinh thiết xét nghiệm mô bệnh học hoặc thực hiện những thủ thuật điều trị.

Kết thúc nội soi, ống soi sẽ được nhẹ nhàng rút ra khỏi miệng hoặc mũi bệnh nhân. Để phòng ngừa lây nhiễm một số bệnh như viêm gan, HIV hoặc nhiễm khuẩn HP, Các dụng cụ sau khi nội soi cho mỗi bệnh nhân đều được rửa sạch và ngâm trong dung dịch khử khuẩn trước khi sử dụng lại.

Toàn bộ quy trình nội soi thường diễn ra trong 10 – 15 phút. Người bệnh thả lỏng cơ thể và thoải mái khi nội soi, thời gian thực hiện sẽ càng được rút ngắn lại.

5.      Những tai biến – biến chứng nào có thể xảy ra khi nội soi dạ dày – tá tràng?

5.1. Những tai biến có thể xảy ra

Nội soi dạ dày là một thủ thuật an toàn. Tuy nhiên, biến chứng do nội soi dạ dày vẫn có thể xảy ra dù tỉ lệ là rất thấp. Các rủi ro này gồm có:

  • Tai biến tim mạch.
  • Tai biến hô hấp: Hít sặc thức ăn hay dịch dạ dày vào phổi, việc nhịn ăn và nhịn uống một thời gian được khuyến cáo trước khi làm thủ thuật sẽ làm giảm tối đa nguy cơ này.
  • Xuất huyết: Rủi ro xuất huyết sau nội soi có thể tăng lên nếu trong quá trình nội soi bác sĩ thực hiện thủ thuật lấy mẫu sinh thiết hay điều trị bệnh lý trong đường tiêu hoá, nhưng rủi ro này thường rất thấp và có thể kiểm soát được. Rất hiếm khi phải truyền máu trong trường hợp này.
  • Nhiễm trùng: Hầu hết các trường hợp thực hiện nội soi để chẩn đoán và lấy mẫu sinh thiết có nguy cơ nhiễm trùng rất thấp. Nguy cơ này chỉ tăng lên khi có những thủ thuật can thiệp khác được thực hiện trong quá trình nội soi. Phần lớn tình trạng nhiễm trùng này thường là nhẹ và có thể điều trị với kháng sinh. Bác sĩ có thể sẽ dùng kháng sinh dự phòng trước khi tiến hành thủ thuật nếu bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm trùng cao.
  • Rách hoặc thủng đường tiêu hóa trên: Trường hợp thực quản hay một đoạn nào khác của đường tiêu hóa trên bị rách hoặc thủng thì bệnh nhân sẽ được nhập viện và bác sĩ sẽ đóng lỗ thủng lại bằng kẹp kim loại qua nội soi hoặc bệnh nhân có thể được phẫu thuật để khâu lỗ thủng. Biến chứng này rất hiếm khi xảy ra – chỉ có khoảng 3 đến 5 rủi ro trên 10.000 trường hợp nội soi chẩn đoán
  • Rất hiếm khi xảy ra phản ứng với những thuốc được dùng trong quá trình nội soi. Để tránh xảy ra rủi ro này, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ gây mê biết tất cả các thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng và tiền sử dị ứng với bất cứ thuốc hoặc các chất nào khác.

5.2. Các yếu tố nguy cơ xảy ra tai biến khi nội soi

  • Bệnh nhân lớn tuổi.
  • Suy tim giai đoạn 3 – 4.
  • Bệnh phổi nặng.
  • Chức năng đông máu kém.
  • Thiếu máu.
  • Làm thủ thuật trong điều kiện cấp cứu.

Những dấu hiệu và triệu chứng của biến chứng bao gồm: Sốt, đau ngực, khó thở, đi ngoài phân đen hoặc phân sậm màu, nuốt khó, đau bụng nhiều và liên tục, nôn mửa

Hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc đến khoa cấp cứu nếu bệnh nhân có một trong những dấu hiệu và triệu chứng nêu trên.

6.      Lợi ích mà nội soi dạ dày – tá tràng mang lại là gì?

6.1. Lợi ích trong chẩn đoán

Nội soi phát hiện được những tổn thương rất nhỏ chỉ vài mm, thậm chí phát hiện những tổn thương mới chỉ làm thay đổi màu sắc niêm mạc dạ dày tá tràng… phát hiện được các ổ loét với những đặc điểm của nó, khối u, dị vật, ký sinh vật như giun móc…Qua máy soi dạ dày tiến hành sinh thiết xác định mức độ và tính chất của tổn thương: lành tính hay ác tính, tổn thương khu trú hay lan toả, xác định nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng như tìm xoắn khuẩn H.pylori. Nội soi dạ dày kết hợp với các phương pháp nhuộm màu và sinh thiết phát hiện ung thư sớm.

Nội soi dạ dày còn có giá trị đặc biệt với xuất huyết dạ dày, tá tràng vì nội soi phát hiện đuợc có chảy máu hay không chảy máu, nếu có chảy máu thì mức độ nặng hay nhẹ và tìm ra nguyên nhân chảy máu.

6.2. Ích lợi điều trị

Điều trị qua nội soi sẽ làm giảm tỷ lệ phải phẫu thuật, bệnh nhân không phải nằm viện, nhanh chóng trở về với cuộc sống bình thường, tiết kiệm được chi phí và nội soi điều trị sẽ không để lại sẹo nên mang tính thẩm mỹ. Qua nội soi có thể thực hiện các thủ thuật điều trị như: tiêm và kẹp cầm máu, cắt polyp, lấy giun, lấy dị vật, điều trị ung thư dạ dày sớm.

  1. sao nên thực hiện nội soi dạ dày – tá tràng tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa?

Mặc dù, nội soi tiêu hóa là kỹ thuật đã khá phổ biến và thường quy trong chẩn đoán các bệnh lý về thực quản, dạ dày, tá tràng, đây vẫn là phương pháp can thiệp và có những rủi ro nhất định. Vì thế, việc cân nhắc lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện nội soi thực sự là vấn đề cần thiết.

Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa đã được trang bị dàn máy nội soi dạ dày – tá tràng hiện đại nhất của hãng Olympus. Đây là một trong những hãng máy tốt nhất trên thế giới. Đồng thời, phương pháp nội soi với dải tần ánh sáng hẹp (NBI) đã tạo nên một bước đột phá đối với sàng lọc và chẩn đoán ung thư ống trên ở giai đoạn sớm và giai đoạn rất sớm. Để được như vậy là nhờ vào hình ảnh nội soi NBI có độ phân giải và độ tương phản cao nên dễ dàng phát hiện những thay đổi nhỏ về màu sắc, hình thái của tổn thương ung thư và tiền ung thư mà nội soi thông thường khó phát hiện.

Mọi quy trình kỹ thuật điều trị khi thực hiện tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa đều được kiểm soát nghiêm ngặt và đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn và chất lượng điều trị cho người bệnh. Trước mỗi ca bệnh, hệ thống máy nội soi đều được đảm bảo vô trùng, mang tính an toàn tuyệt đối đến người bệnh. Sau khi thủ thuật kết thúc, ống nội soi sẽ được vệ sinh bằng Dung dịch khử khuẩn.

Bên cạnh đó, nội soi dạ dày – tá tràng tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa có những ưu thế sau:

  • Là một kỹ thuật mới được triển khai tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa.
  • Đội ngũ bác sĩ nội soi được đào tạo tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Trung Ương Huế – một trong những trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng.
  • Phù hợp và thuận tiện cho việc đi lại của người dân trong khu vực.
  • Kỹ thuật cũng được bảo hiểm y tế chi trả nên chi phí mà bệnh nhân phải đóng cho mỗi lần nội soi cũng không cao.

 

Bs. Đặng Văn Thức- Khoa CC-HSTC-CĐ

Chia sẻ: Share on FacebookTweet about this on TwitterShare on LinkedInShare on Google+Email this to someone