NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue thường là sốt cao liên tục, đôi khi kèm theo rét run, nổi gai ốc. Thân nhiệt người bệnh có thể đạt đến 39-40oC.

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Hiện tại, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh.

  1. Sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế – xã hội. Những trường hợp bệnh nặng có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em.

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn Aedes Aegypti mang virus Dengue gây ra. Những con muỗi cái mang mầm bệnh sau khi đốt người, sẽ khiến cơ thể người bị đốt mang virus Dengue. 4-6 ngày sau khi bị muỗi vằn đốt, người bệnh mới bắt đầu phát bệnh với biểu hiện sốt cao liên tục, dưới da xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ nên được gọi là bệnh sốt xuất huyết.

Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa. Người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh.

 

  1. Bệnh SXHD thường xảy ra vào thời gian nào?

 

Bệnh SXHD thường tăng nhiều vào các tháng mùa mưa, có nhiệt độ trung bình cao. Ở nước ta, khu vực miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm; ở miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Cứ khoảng 3-5 năm một lần lại có một vụ dịch SXHD lớn hơn xảy ra, điều này có thể liên quan đến chu kỳ thay đổi của khí hậu làm tăng nhiệt độ và mức độ mưa.

  1. Tại sao sốt xuất huyết lại nguy hiểm?

3.1. Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được. Vì vậy, ngành y tế cùng phối hợp với cộng đồng người dân thực hiện công tác giám sát, phòng chống bệnh một cách chặt chẽ.

3.2. Những sự kiện và con số biết nói

Đại dịch sốt xuất huyết đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục như châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi và vùng Caribbean.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia là các nước đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á báo cáo số ca nhiễm bệnh tăng lên đột biến khi đại dịch bùng phát.

Cũng theo WHO, có khoảng 390 triệu ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu, 96 triệu người phải nhập viện cấp cứu và đa phần là trẻ em (thống kê mới nhất năm 2017).

Châu Á và Mỹ – Latinh là 2 châu lục đứng đầu thế giới về trường hợp trẻ tử vong và gặp biến chứng nặng do sốt xuất huyết.

Hiện nay, chưa có phương pháp đặc trị nào để chữa sốt xuất huyết ở trẻ em lẫn người lớn. Phát hiện sớm và tiếp cận các biện pháp chăm sóc y tế kịp thời là kim chỉ nam giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở người bệnh xuống dưới 1%.

Virus Dengue thường sinh sôi và lan rộng tại các vùng nhiệt đới và những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của rừng mưa nhiệt đới, thời tiết mưa nhiều và các khu vực đô thị hóa không quy hoạch.

Vào những năm 1950, hai nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan và Philippines, 2 quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận đại dịch sốt xuất huyết. Ngày nay, bệnh dịch lan rộng đến hầu hết các nước châu Á.

 

  1. Nhận diện loại muỗi có thể truyền bệnh SXHD như thế nào?
  • sxh2
  • Muỗi màu đen, nhỏ, trên thân và chân có đốm trắng, thường gọi là muỗi vằn. Đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể chích người và truyền bệnh.
  • Muỗi vằn thường trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn, màn.
  • Muỗi vằn thường hút máu ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối hoặc hoạt động cả ngày trong những căn phòng thiếu ánh sáng.
  • Muỗi đẻ trứng trong dụng cụ chứa nước như bể, chum vại, đồ phế thải có chứa nước, lọ hoa…

 

  1. Bệnh sốt xuất huyết Dengue diễn biến như thế nào?

Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt

  • Sốt cao 39-40oC, đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày.
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Da xung huyết, phát ban.
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  • Biểu hiện xuất huyết như: Chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nghiệm pháp dây thắt dương tính….
  • Xét nghiệm trong giai đoạn: Dung tích hồng cầu (Hematocrit) bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm, số lượng bạch cầu thường giảm.

Giai đoạn nguy hiểmThường vào ngày thứ 3-7 của bệnh

  • Người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt.
  • Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ) đồng thời với tăng hematocrit.
  • Sau khi bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu trong máu bắt đầu giảm và thường xảy ra trước khi thoát huyết tương.

Nếu bệnh nhân hết sốt và không có biến chứng thì đây là những trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ.

Tuy nhiên trong giai đoạn này, một số trường hợp có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như:

  • Vật vã, lừ đừ, li bì.
  • Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.
  • Gan to >2cm.
  • Nôn nhiều.
  • Xuất huyết niêm mạc biểu hiện: chảy máu cam, đái ra máu, nôn ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh…
  • Tiểu ít
  • Xét nghiệm máu: Hematocrit tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng.

Khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trên phải đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để được điều trị tích cực. Nếu qua được giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục.

Một số ca nặng lên và tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue thể nặng với các triệu chứng, biến chứng như:

  • Sốc sốt xuất huyết Dengue: Suy tuần hoàn cấp với các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít.
  • Xuất huyết nặng: Chảy máu cam nặng, rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
  • Suy tạng nặng: Suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não), viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.

Giai đoạn hồi phục

Sau 24 – 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Giai đoạn này kéo dài 48-72 giờ.

  • Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.
  • Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ.
  • Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim. 
  • Xét nghiệm cho thấy: Hematocrit, tiểu cầu dần trở về bình thường.
  1. Làm sao biết người bị sốt xuất huyết?

Khi thấy các dấu hiệu sau:

Thể nhẹ: sốt cao, đột ngột, liên tục, kéo dài từ 2- 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban.

Thể nặng hơn có các dấu hiệu:

  • Xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
  • Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hoảng hốt.
  1. Làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?

Đưa ngay người bệnh tới các cơ sở y tế để khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý mua thuốc để điều trị.

Khi người bệnh bị sốt cao 39-40oC kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt và có thêm các triệu chứng như khó chịu vật vã, xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc phải nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, khám và điều trị kịp thời. Khi trẻ bị sốt cao, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Cho trẻ uống nhiều nước như nước cam, chanh, oresol, nước đun sôi để nguội…, ăn thức ăn mềm, lỏng, nhẹ và nằm nghỉ ngơi.

  1. Khi nào cần xét nghiệm máu xác định sốt xuất huyết?

Người bệnh có thể bị sốt bởi rất nhiều tác nhân, xét nghiệm máu sẽ giúp xác định chính xác nguyên nhân có phải là sốt xuất huyết hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm máu chỉ có thể cho kết quả chính xác từ ngày thứ 3 bị sốt.

Nhiều bệnh nhân phải trải qua xét nghiệm máu đến 2-3 lần, nguyên nhân có thể do nhớ sai số ngày bị sốt, hoặc bác sĩ chỉ định để xác định các bệnh khác như nhiễm trùng và sốt rét…

Nếu kết quả cho thấy dung tích hồng cầu (Hct) tăng và lượng tiểu cầu giảm thì có thể kết luận là bị sốt xuất huyết.

  1. Sốt xuất huyết bao lâu thì được tắm?

Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue, việc vệ sinh cá nhân là nhu cầu cần thiết khi phải đối mặt với tình trạng bứt rứt, khó chịu từ sốt và mồ hôi khắp cơ thể.

Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết không phải chỉ trong vài ngày là khỏi. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân rất muốn được tắm gội để giải tỏa nhu cầu vệ sinh thân thể. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải đặc biệt lưu ý, không được tắm gội vì có thể khiến cho tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng.

Việc vệ sinh cơ thể chỉ nên thực hiện bằng cách lau người bằng nước ấm, vì nước lạnh làm co mạch ở bề ngoài da nhưng lại làm giãn mạch bên trong nội tạng cơ thể, đây là một căn nguyên gây ra tử vong liên quan đến xuất huyết.

  1. Bệnh sốt xuất huyết Dengue lây truyền ra sao. Chăm sóc người bệnh SXH có thể bị lây bệnh không?

 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue lây truyền qua muỗi đốt. Muỗi vằn (Aedes) hút máu người bị bệnh sau đó mang vi rút, khi chúng đốt người lành sẽ lây truyền virus Degue sang người cho lành.

Bệnh SXHD không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, nên chăm sóc người bệnh SXH không bị lây. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh để muỗi đốt vì muỗi có thể truyền bệnh từ người bệnh sang người lành.

  1. Những điều không nên làm khi bị SXH?

Không tự dùng thuốc hạ nhiệt: Vì chưa xác định là sốt do bệnh gì nên không được tự động sử dụng thuốc hạ nhiệt như thuốc hạ sốt aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Thay vào đó có thể hạ sốt bằng cách cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước vắt kiệt vào trán, nách cho người bệnh. Nếu dùng thuốc chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi có chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không cạo gió.

Không ăn các thực phẩm có màu nâu, đen, đỏ: vì trong thời gian bị bệnh, người bệnh ăn hoặc uống các loại thực phẩm có màu nâu, đen hoặc đỏ sẽ khó phân biệt với phân là máu khi bị xuất huyết qua đường tiêu hóa. Hay người bệnh bị nôn có màu thâm đen, xám bất thường thì khó phân biệt được đó là màu thực phẩm hay xuất huyết tiêu hóa.

Không ăn trứng khi bị SXH: bởi trứng sẽ tạo ra một lượng nhiệt lượng lớn trong cơ thể người bệnh. Những người bị sốt, nhất là trẻ em, ăn trứng gà sẽ làm nhiệt lượng cơ thể tăng lên và không phát tán ra ngoài được, khiến cho sốt lâu khỏi. Chính vì vậy ăn trứng là kiêng kỵ cần tránh khi bị SXH.

Không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ: vì nó có thể gây các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, làm cho cơ thể người bệnh chậm hồi phục hơn.

Không để muỗi tiếp xúc với da: bởi nguyên nhân gây ra bệnh SXH chính là muỗi, do vậy không nên để muỗi tiếp xúc với da, vì muỗi sẽ đốt và truyền thêm lượng virút gây bệnh không những làm bệnh nặng thêm mà còn có nguy cơ lây bệnh cho những người khác.

Không uống trà: vì uống nhiều trà quá đặc sẽ khiến não ở trạng thái bị kích thích và làm tăng huyết áp. Bệnh nhân SXH mà uống trà còn làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt. Ngoài ra, trong trà có chứa một số chất có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên làm bệnh SXH trở nên trầm trọng hơn.

Không uống cà phê, hút thuốc, uống rượu: tất cả đều có chứa cafein, chất kích thích càng khiến cho cơ thể mệt mỏi hơn.

Không uống nước ngọt, nước có gas: Cũng không nên sử dụng mật ong và các loại đường tự nhiên khác. Việc hấp thụ đường vào cơ thể người bệnh sẽ khiến các tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm chạp và vì thế bệnh càng trở nên lâu khỏi.

Không ăn đồ cay nóng: bởi khi bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể chúng ta bị giảm và năng lượng cũng bị hao hụt đi rất nhiều. Ăn các món cay nóng không chỉ khiến bệnh nặng thêm mà còn ảnh hưởng đến sự hồi phục của bệnh nhân.

Không nên ra gió, tắm nước lạnh: Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra ở ngày thứ 2 hoặc thứ 3, kéo dài vài ngày, nhiều người nặng hơn thì kéo dài tới trên 2 tuần. Mức độ xuất huyết có thể xuất huyết da niêm hoặc ở nhiều vị trí trên cơ thể. Bệnh nhân cần ở nhà nghỉ ngơi, không ra gió, không tắm nước lạnh, chỉ nên lau người bằng nước ấm vì nước lạnh có thể làm co mạch ngoài da nhưng lại làm giãn mạch trong nội tạng, đây là nguy cơ gây ra tử vong.

  1. Sốt xuất huyết điều trị như thế nào?

Việc điều trị SXHD hiện nay chủ yếu điều trị triệu chứng, chú ý hạ nhiệt, bù nước và theo dõi chặt chẽ bệnh nhân.

Hạ nhiệt cho bệnh nhân

  • Sử dụng thuốc hạ nhiệt: Các bác sĩ chỉ định bệnh nhân sốt cao từ 39oC trở lên được phép dùng Paracetamol đơn chất với liều lượng 10 – 15mg/kg cân nặng/lần, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ. Tổng liều lượng Paracetamol không được vượt quá 60mg/kg cân nặng trong vòng 24 giờ. Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc hạ sốt khác như aspirin, analgin, ibuprofen… vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
  • Kết hợp các biện pháp hạ nhiệt khác: Dùng khăn ấm đắp vào trán, lau nách, bẹn phòng sốt cao, co giật. Tuyệt đối không dùng nước đá hoặc đá lạnh để chườm.

Bù nước cho cơ thể bằng cách: 

  • Khuyến khích người bệnh uống nhiều Oresol, nước trái cây (cam, quýt, chanh, dừa…), nước đun sôi để nguội. Trẻ em dưới 5 tuổi bị sốt nên uống khoảng 0,5 – 1 lít nước/ngày, trẻ trên 5 tuổi uống khoảng 1,5 – 2,5 lít nước/ngày, riêng người lớn cần uống từ 2,5 – 3 lít nước/ngày.
  • Cho bệnh nhân ăn một số đồ ăn nhẹ, dễ nuốt, dễ tiêu như súp, sữa, nước cháo loãng nêm chút muối…

Quan trọng nhất vẫn là theo dõi sát người bệnh nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục, lả người, buồn nôn, tiểu ít, xuất huyết… để đưa đi cấp cứu kịp thời vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh là khi hết sốt (thường từ ngày thứ 3 – 6), bệnh có thể trở nặng và sốc dẫn tới tử vong chỉ sau 5 – 6 tiếng đồng hồ nếu không kịp cứu chữa. 

         13.Những điều cần tránh khi điều trị SXHD tại nhà:

Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Do vậy người bệnh cần chú ý những điều sau:

  • Không sử dụng quá liều lượng Paracetamol quy định để tránh gây tổn thương cho gan.
  • Không dùng thuốc kháng sinh trừ trường hợp có biểu hiện hoặc nguy cơ nhiễm trùng và nếu dùng cũng phải xin tư vấn của bác sĩ.
  • Không tự ý truyền dịch tại nhà nhằm phòng ngừa các biến chứng nặng do thừa dịch như phù phổi cấp, suy tim do quá tải tuần hoàn… 
  • Không cạo gió, xông hơi hoặc áp dụng những phương pháp dân gian, truyền miệng khi hiệu quả của chúng đối với SXHD chưa được chứng minh trong thực tiễn.
  • Không tắm dù là bằng nước lạnh hay nước nóng mà chỉ nên lau người bằng khăn ấm.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, ngừng hút thuốc, uống rượu bia trong quá trình điều trị.

         14.Làm thế nào để phòng bệnh sốt xuất huyết?

Hãy tự bảo vệ mình bằng cách tránh để muỗi đốt, nên ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi vằn. Đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Mỗi cá nhân và tập thể hãy dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, muỗi vằn, bảo vệ mình không bị sốt xuất huyết. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

Không có bọ gậy, không có muỗi, không có sốt xuất huyết.

BS. Đặng Văn Thức

Khoa CC-HSTC-CĐ

Chia sẻ: Share on FacebookTweet about this on TwitterShare on LinkedInShare on Google+Email this to someone